Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, thời gian qua Trung tâm đã nhận được hàng trăm đơn khiếu nại về tranh chấp tên miền Internet .VN (sau đây gọi tắt là tên miền). Phần lớn các đơn khiếu nại đều đề nghị hoặc yêu cầu thu hồi các tên miền mà VNNIC đã cấp phát.
Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp tên miền là do đâu?
Đây là khiếu nại về một quyết định hành chính hay là sự tranh chấp về việc đăng ký, sử dụng tên miền? Đặc trưng của các tên miền bị khiếu nại phần lớn là tên miền trùng với nhãn hiệu hàng hoá hoặc tên thương hiệu hoặc tên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều oái oăm là chủ nhân của những cái tên sản phẩm hàng hoá hoặc thương hiệu nổi tiếng như Heineken, Coke, Fanta, Astonmartin, Jaguar, Trung Nguyên, Vietcombank, Tiger Beer…. lại không là chủ nhân của các tên miền Việt Nam như heineken.com.vn, coke.com.vn, fanta.com.vn…vv. Do đó phát sinh những cái đơn khiếu nại của các doanh nghiệp này yêu cầu VNNIC thu hồi tên miền và cấp phát lại cho mình. Tại sao các doanh nghiệp trên không đăng ký được tên miền hoặc không đăng ký tên miền khác mà dẫn đến việc tranh chấp? Trên thực tế, tên miền được các tổ chức và cá nhân đăng ký sử dụng nhằm mục đích thông qua đó góp phần quảng bá về tổ chức, sản phẩm, dịch vụ, tiến hành các hoạt động thương mại và phi thương mại trong môi trường Internet toàn cầu.
Các tên miền hoạt động trên mạng phải đáp ứng được một số yêu cầu trong đó quan trọng nhất là tính duy nhất của tên miền. Tính duy nhất thể hiện ở chỗ, một người đã đăng ký tên miền rồi thì người khác không thể đăng ký được nữa. Về mặt kỹ thuật: một tên miền không thể chỉ dẫn đồng thời đến 02 website khác nhau. Trên thế giới, tuỳ theo chính sách của từng quốc gia, các tên miền được xem là tài nguyên, bị cấm mua bán, chuyển nhượng. Song cũng có quốc gia quan niệm tên miền là hàng hoá. ở các quốc gia này, ngoại trừ các tên miền bị cấm như tên miền dành cho Chính phủ, còn lại tên miền được tự do mua bán, chuyển nhượng giống như đối với các tên miền dùng chung (tên miền .COM, .NET, .INFO…).
Do đó, hàng ngàn người am hiểu về lĩnh vực này đã sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để đăng ký cho mình hàng trăm tên miền, sau đó tìm cách bán lại với giá cao để kiếm lời; thậm chí có tên miền được đấu giá lên đến hàng chục ngàn USD. Chính vì vậy, việc phát sinh tranh chấp tên miền ở nước ngoài xảy ra như cơm bữa. Về hình thức, việc thu lợi trên tên miền thường thể hiện dưới hai xu hướng; hoặc là hiện tượng “đầu cơ tên miền” (domain name speculation) hoặc là “chiếm dụng tên miền” (domain name cybersquatting). Nếu đầu cơ tên miền là việc đăng ký trước một số tên miền “đẹp” mà dự đoán hoặc kỳ vọng sẽ chuyển nhượng được, thì chiếm dụng tên miền là việc đăng ký có chủ đích khống chế một tên miền trùng với thương hiệu nổi tiếng nhằm hoặc lợi dụng uy tín thương hiệu đó để cạnh tranh hoặc gây cản trở việc quảng bá thương hiệu hoặc là cách gây áp lực buộc chủ thương hiệu nhận chuyển nhượng lại.
Tình hình tranh chấp tên miền ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tên miền .VN được xem là tài nguyên của quốc gia, nghiêm cấp việc mua bán, chuyển nhượng tên miền. Mặc dù đã nắm được quy định này của nhà nước, nhiều người vẫn đăng ký khá nhiều tên miền, trong đó có các tên miền trùng hoặc gần với tên của các thương hiệu nổi tiếng hòng mong kiếm chác. Thực tế, một số vụ chuyển nhượng ngầm đã được thực hiện trót lọt. Tuy nhiên, phía người nhận chuyển nhượng không phản ánh với cơ quan quản lý nên không có cơ sở để xử lý nhưng cũng có nhiều trường hợp bị phát hiện, ngăn chặn. Ví dụ vụ do Đỗ Tuyển và Trương Phi Cường (Hà Tây) phối hợp chuyển nhượng tên miền www.vietnamwork.com.vn và www.vietnamworks.com.vn cho Công ty TNHH N.G.V Ltd, vụ Nguyễn Hoàng Hải (Hà Giang) chuyển nhượng tên miền nhanhoa.com.vn cho Công ty Nhân Hoà (Nguyên Hồng – Hà Nội), vụ Cao Bắc Ninh (Hải phòng) chuyển nhượng tên miền Vinacomin.com.vn cho Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam…vv.
Trở lại với vấn đề khiếu nại tên miền, việc không sở hữu được các tên miền trùng với thương hiệu của mình, lỗi đầu tiên thuộc về chính doanh nghiệp. Bởi từ ban đầu do không quan tâm và đánh giá hết ý nghĩa của tên miền Internet nên chưa chú trọng việc đăng ký. Chỉ đến khi nhận thấy nguy cơ tên miền bị người khác làm ảnh hưởng đến thương quyền mới thực hiện các biện pháp khác nhau, thậm chí là nhờ các Văn phòng luật sư để đòi lại tên miền không phải của mình. Nhưng theo quy định hiện tại của nhà nước Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế “ai đăng ký trước được cấp phát trước”, đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Còn nói rằng việc đăng ký các tên miền gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những thương hiệu nổi tiếng thì rất khó có cơ sở chính xác. Qua khảo sát, dễ dàng nhận thấy những website sử dụng tên miền trùng thương hiệu nổi tiếng đăng tải thông tin không hề có dấu hiệu nói xấu hoặc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đồng thời, một tên miền cũng không thể bao hàm hết được tất cả nội dung thông tin có trên website, đây là điều dễ hiểu.
Chính vì vậy, có thể nói về bản chất, các khiếu nại liên quan đến việc cấp phát tên miền thực chất là việc tranh chấp sử dụng tên miền. Và như vậy, theo quy định tại Điều 76 Luật Công nghệ Thông tin, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo ba cách: Tự thương lượng hoà giải, thông qua trọng tài hoặc khởi kiện ra toà án. Tuy nhiên việc giải quyết thông qua trọng tài hoặc khởi kiện ra toà án đều khá mất thời gian và cả kinh phí. Như vậy, giải pháp tốt nhất cho việc tranh chấp tiền miền là biện pháp tự thương lượng, hoà giải. Sẽ thật tốt biết bao nếu trong xã hội bớt đi những mâu thuẫn, xung đột với nhau chỉ vì cái gọi tên miền. Tuy nhiên, đây cũng là bài học quý báu cho các doanh nghiệp còn chưa nhận thấy sự quan trọng của tên miền Internet, bởi một lý do thật đơn giản nhưng lại thật cần thiết, tên miền sẽ giúp doanh nghiệp có thêm một kênh thông tin quan trọng, một cánh cừa để hội nhập kinh tế quốc tế, để khách hàng biết đến thương hiệu, sản phẩm của mình và còn là điều kiện không thể thiếu để triển khai thương mại điện tử.